NHỮNG CHẤM PHÁ NGHỀ NUÔI ONG TẠI VIỆT NAM
Theo số liệu thống kê của Hội Nuôi ong Việt Nam, ước tính hiện nay nước ta có khoảng gần 1.200 nghìn đàn ong gồm các giống ong Ý và ong nội, trong đó số đàn ong nội 200 nghìn đàn (chiếm 16,6%), ong ngoại 1.000 đàn (chiếm 83,3%). Số người nuôi ong khoảng 30.000 người, trong đó số người nuôi ong chuyên nghiệp khoảng 6.000 người (chiểm 20%).
Điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam thuận lợi cho hệ sinh thái thực vật và sự phát triển của ngành chăn nuôi ong lấy mật. Vùng sản xuất mật ong tập trung ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Cây nguồn mật chính là cao su, tràm, cà phê, điều, vải, nhãn, keo, bạch đàn, bạc hà...
Ngành chăn nuôi ong lấy mật
Trong những năm gần đây, người nuôi ong đã nhận thấy nghề nuôi ong mật không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là nghề góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Có nghề nuôi ong mật, các hộ nông dân càng quan tâm hơn tới phát triển vườn cây ăn quả cũng như bảo vệ rừng, chăm sóc đẩy mạnh diện tích trồng rừng, để bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên cho đàn ong. Hiện nay, tại các tỉnh nghề chăn nuôi ong từ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ đã chuyển dần sang hình thức đầu tư nuôi ong tập trung với số lượng lớn, số lượng đàn ong được nuôi tại một hộ có từ 50 đến 100 đàn thậm chí tới 500 đến 600 đàn như ở Sơn La, Điện Biên, Đắc Lắc, Đồng Nai, Vũng Tàu.... Các địa phương đã hình thành các mô hình câu lạc bộ, hợp tác xã hoạt động rất có hiệu quả và nhanh chóng nhân rộng tại ra khắp các tỉnh. Thông qua mô hình mà người nuôi ong có sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật giúp nhau nhân rộng đàn ong. Chất lượng sản phẩm tạo ra từ ong mật như mật ong, sữa ong chúa, sáp ong, keo ong, phấn hoa... được nâng lên, được người tiêu dùng trong và ngoài nước quan tâm nhiều hơn. Một số tỉnh xây dựng được thương hiệu của mình, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, hiện nay đang xây dựng kế hoạch bảo tồn nguồn gen ong nội quý hiếm.
Tại Việt Nam, mật ong đang được nuôi ở nhiều nơi
Nghề nuôi ong cổ truyền của Việt Nam với giống ong nội địa Apis cerana đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, nuôi ong theo kỹ thuật cổ truyền có hạn chế là các bánh tổ trong đàn ong được ong thợ xây cố định, không thể tách rời nên người nuôi ong không thể kiểm tra bên trong để đánh giá tình hình đàn ong, không chủ động tạo chúa chia đàn, không phát hiện và phòng trị sâu bệnh kịp thời nên khó tăng số lượng đàn ong để mở rộng qui mô nuôi ong. Nuôi ong trong thùng cổ truyền thường phải đặt đàn ong cố định ở một điểm, rất khó di chuyển đàn ong đến điểm mới nên không thể khai thác hiệu quả các nguồn hoa ngoài tự nhiên ở các vùng sinh thái khác nhau.
Mật ong thiên nhiên bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe con người
Bên cạnh đó, khi khai thác mật phải cắt phần bánh tổ chứa mật, ong thợ phải tốn thời gian và năng lượng để xây lại phần dự trữ mật đã bị cắt bỏ nên năng suất và chất lượng mật thấp.
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp nói chung và nghề nuôi ong mật nói riêng là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, để phát triển đàn ong mật theo hướng bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm, người nuôi ong phải áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm ong theo tiểu chuẩn Việt Nam và quốc tế.